Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

17 địa danh nên đến một lần trước khi chết


Vì bạn chỉ sống có một lần, vậy hãy làm thật nhiều điều có ý nghĩa trước khi sang thế giới bên kia.


1. Vùng núi Zhangye Danxia, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc


Nếu không thật sự đặt chân tới địa điểm này, bạn sẽ cho rằng những hình ảnh trước mắt mình là một tác phẩm "photoshop". Thế nhưng đây quả thật là phong cảnh tuyệt đẹp "có một không hai" mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng núi Zhangye Danxia, Trung Quốc. Khách du lịch sẽ nhìn thấy những vệt đủ màu sắc từ đỏ, vàng, cam cho tới xanh lục, tím, nâu... Kiệt tác đẹp ngoài sức tưởng tượng này là do các yếu tố tự nhiên như mưa, gió, sự xói mòn, quá trình oxy hoá kết hợp với các yếu tố khoáng chất tạo ra những mảng màu sắc độc đáo khác nhau. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (1)


2. Nơi 'tận cùng thế giới' ở Banos, Ecuador


Đây là một trong những điểm du lịch không dành cho người yếu tim bởi bạn sẽ được ngồi trên một chiếc xích đu "tận cùng thế giới" và đánh đu trên vực núi sâu mà không dùng bất cứ biện pháp bảo vệ nào. Nhưng trước khi ngồi được lên chiếc đu quay 'tử thần' này, bạn cần phải men theo con đường mòn đến Bellavista từ vách Banos, Ecuador để đến điểm quan sát tại một trạm theo dõi địa chấn có tên 'La Casa del Arbel' - một ngôi nhà nhỏ nằm trên một cái cây nhỏ sát bên hẻm núi.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (2)

3. Hố xanh vĩ đại ở Belize


'Hố xanh vĩ đại' là một hố sâu nằm dưới mặt biển ngoài khơi bờ biển Belize, là một phần của khu bảo tồn san hô Belize Barrier, khu vực được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của nhân loại. Được bao quanh bởi một rặng san hô dài 70 km, hố này rộng đến 300m và sâu khoảng 124m. Sự kỳ vĩ và tráng lệ của nơi đây khiến mọi du khách đều phải trầm trồ, thán phục. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (3)

4. Cánh đồng hoa tulip Hà Lan


Hà Lan luôn được mệnh danh là quê hương của loài hoa kiêu sa tuyệt đẹp - tulip. Nơi đây có những cánh đồng hoa tulip ngập tràn màu sắc, trải dài bất tận tạo nên những bức tranh muôn màu sắc, đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người. Mùa hoa tulip bắt đầu từ cuối tháng 3 tới khoảng đầu tháng 8. Vào thời điểm này, những bông hoa với đủ màu sắc tím, hồng, đỏ, vàng... đua nhau nở, giống như những suối hoa rực rỡ muôn màu. Cách tốt nhất để chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa là ngắm toàn cảnh từ trực thăng. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (4)

5. Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam


Nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày thành vòm hang khổng lồ.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (5)

6. Thiên đường hoa ở công viên Hitachi Seaside


Công viên Hitachi Seaside là một trong những điểm du lịch "vàng" của đất nước Nhật Bản. Với diện tích 3,5ha, nơi đây có rất nhiều ngọn đồi, mỗi ngọn đồi là mỗi loại hoa khác nhau, thay phiên khoe sắc suốt 4 mùa trong năm. Công viên này đặc biệt nổi tiếng với hoa nemophilas - loài hoa năm cánh màu xanh trong suốt. Trong mùa xuân, hơn 4,5 triệu cây hoa nemophilas xanh sẽ đua nhau nở rộ trong công viên tạo nên cảnh đẹp "độc nhất vô nhị".
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (6)

7. Hang động băng Mendenhall, Alaska, Mỹ


Nhắc tới Alaska, người ta không chỉ nghĩ tới những dòng sông băng trải dài bất tận, ẩn giấu trong mình vẻ đẹp kỳ ảo, lôi cuốn mà còn tưởng tượng tới những hang động băng huyền bí và đẹp lung linh. Một trong số đó chính là hang động băng Mendenhall. Nơi đây là một trong những địa điểm mà bất kỳ ai cũng mong muốn được đặt chân tới và tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Không chỉ mang một vẻ đẹp thuần túy của thiên nhiên, hang động băng này còn giúp các nhà khoa học có một cái nhìn tổng quát hơn về điều kiện khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai của những vùng đất cực bắc nước Mỹ.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (7)

8. Ngọn núi Roraima nằm giữa Venezuela, Brazil và Guyana


Ngọn núi có đỉnh bằng kỳ lạ Roraima là ngọn núi có đỉnh bằng cao nhất và nổi tiếng nhất Venezuela, đồng thời ngọn núi này được xem như là biên giới giữa ba quốc gia Venezuela, Brazil và Guyana. Ngọn núi thuộc địa phận Vườn Quốc Gia Canaima với diện tích của toàn khu vực là 30.000km2, là nơi chứa và tạo ra nhiều địa chất lâu đời nhất thế giới; có niên đại vào khoảng 2 tỷ năm trước.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (8)

9. Khu vực Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ


Cappadocia là khu vực lịch sử thuộc khu vực trung tâm Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên ấn tượng nhất ở châu Âu. Nơi đây được hình thành từ lớp đá trầm tích và đá núi lửa - kết quả của vụ phun trào xảy ra khoảng 3 triệu năm trước đây. Trải qua hàng ngàn năm, những tác động của thiên nhiên: mưa, gió và nước sông đã khiến cho các lớp đá sa thạch và các khối đá mềm bị bào mòn dữ dội và tạo thành hàng trăm trụ cột đá ngoạn mục trong hình dạng của một tòa tháp, hình nón, hình ống khói, đạt đến tầm cao 40m, khiến nhìn từ trên cao, khu vực này trông tương tự như địa hình trên mặt trăng.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (9)

10. Bãi biển sao trên đảo Vaadhoo, Mandives


Nhiều người cho rằng cảnh tượng những sinh vật nhỏ xíu phát sáng trên bãi biển như hàng ngàn ngôi sao lấp lánh chỉ xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng hay những câu chuyện cổ tích. Song trên thực tế, bãi biển phát sáng trên hoàn toàn có thật ở Mandives. Nước biển phát sáng do các sinh vật phù du có khả năng phát quang xuất hiện với mật độ cao trong nước. Chính sự xuất hiện của những loài sinh vật này đã tạo nên một cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng cho bãi biển nơi đây. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (10)

11. Thác nước Victoria


Với độ cao khoảng 108m và nằm giữa biên giới Zimbabwe và Zambia, thác nước Victoria được biết tới là thác nước lớn nhất châu Phi. Nơi đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng nhất Zimbabwe mà du khách không thể bỏ qua khi có cơ hội đến châu Phi. Sự giao thoa giữa núi đá, sông nước, mây trời và những cánh rừng rậm bao quanh khu vực đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đẹp hoàn hảo và ngoạn mục. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (11)

12. Trolltunga ở Hordaland, Na Uy


Thêm một điểm du lịch nữa dành cho những du khách ưa mạo hiểm bởi Trolltunga là khu vực nằm trên rìa vách núi, cách mực nước biển hơn 600m và du khách chỉ có thể đi bộ ra ngoài khu vực này trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (12)

13. Bãi biển Whitehaven, Australia


Bờ biển Whitehaven là một trong những địa điểm mà khách du lịch không thể bỏ qua khi tới với đất nước Australia. Làn nước trong xanh như pha lê và bãi cát trắng nhất thế giới, trải dài 7km là những viên ngọc quý mà tạo hóa ban tặng cho hòn đảo Whitsunday, đảo lớn nhất trong 74 đảo thuộc đất nước Kangaroo này.Từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Whitehaven đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (13)

14. Vườn quốc gia Grand Canyon, bang Arizona, Mỹ


Grand Canyon có diện tích gần 5.000 km2 là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Nơi đây có những hẻm núi với đủ màu sắc từ nâu, đỏ, cam tới vàng tạo nên một khung cảnh rực rỡ và kỳ thú dưới ánh mặt trời.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (14)

15. Hang động cẩm thạch Marble Cathedral, Chile


Động cẩm thạch Marble Cathedral tọa lạc hồ General Carrera ở Pantagonia, Chile được hình thành từ hàng nghìn năm, nhờ quá trình bào mòn của tự nhiên, tạo nên những hẻm hốc và hang động vô cùng ấn tượng. Có thể nói rằng, hiếm có một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc nào có thể so sánh với vẻ đẹp tuyệt mỹ của hang động được xem là một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới này.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (15)

16. Đường hầm tình yêu 'Tunnel of love'


Đây là một trong những đường hầm xe lửa đẹp nhất thế giới, thuộc thành phố Klevan của Ukraine. Nơi đây được bao phủ hoàn toàn bởi cây cối dày đặc tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp xuyên suốt 4 mùa trong năm. Ngay cả trong mùa đông lạnh giá, đường hầm tình yêu cũng mang một vẻ đẹp rất lãng mạn khi những bông tuyết trắng li ti bám lên những cành cây khẳng khiu. Phần lớn khách du lịch tới nơi đây đều là những cặp đôi đang yêu, họ đến để trao cho nhau những nụ hôn ngọt ngào giữa thiên nhiên, gửi gắm những điều ước cho tình yêu vĩnh cữu. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (16)

17. Cánh đồng muối tuyệt đẹp Salar de Uyuni ở Bolivia


Salar de Uyuni là cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới được hình thành do sự vận động của vỏ trái đất. Trong những tháng mùa đông, khu vực này hoàn toàn khô ráo. Tuy nhiên, khi mùa hè đến, cánh đồng lại luôn ngập nước, biến thành tấm gương soi khổng lồ.


17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (17)

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Bạn đang làm gì với cuộc đời mình : Sáng tạo hay thụ động.


“Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường thôi” – (“Cố hương” – Lỗ Tấn)


Trong nhiều thế kỷ, chúng ta được gieo rắc vào đầu ý tưởng rằng chúng ta chỉ là những quân cờ trong bàn tay của định mệnh. Từ “định mệnh” tiếng Anh là “fate”, có gốc từ “fata” – tên gọi ba vị thần nắm giữ sợi chỉ của số mệnh con người trong thần thoại Hy Lạp. Người Trung Quốc thì cho rằng mỗi người đều có “thiên mệnh”, tức là một sự sắp đặt nào đó của ông trời. Người Ai Cập cổ, người Ấn Độ cổ, người Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo đều lý giải nguồn gốc của con người bắt đầu từ sự sáng tạo của Thượng Đế. Con người từ rất lâu đã quen với ý niệm về quà tặng, về sự may mắn, sự dựa dẫm, sự cứu rỗi, sự trừng phạt.. đều từ người sáng tạo, chỉ có một số rất ít bắt đầu đòi hỏi về quyền tự do ý chí. Những kẻ hiếm hoi và lạc bầy đó là những người đầu tiên lên tiếng đòi hỏi quyền được tạo tác hệ thống, đòi được tự mình điều khiển. Chính họ là những kẻ ăn cắp ngọn lửa thiêng của Olympia (1) , những kẻ dám ăn trái cấm (2) , những kẻ dám giương cung bắn rụng mặt trời (3).


Nhắc lại câu chuyện xa xưa, tôi muốn gợi cho các bạn một ý nghĩ: Không cần biết những truyền thuyết về nguồn gốc loài người là đúng hay sai, nhưng dễ dàng để nhận thấy một điểm chung, chúng ta đã quá quen với việc thụ động và bị điều khiển bởi ai đó hay một quy luật nào đó. Nhiều người sẽ phản ứng khi đọc câu này và nói rằng: “Không! Tôi đang làm chủ cuộc đời tôi! Tội tự kiếm ra tiền! Tôi hoàn thành tốt công việc của tôi! Tôi đấu tranh cho những điều đúng đắn!” Bạn không nhìn thấy những sợi xích, điều đó không có nghĩa là bạn tự do. Đó là nghệ thuật của những người đang kiểm soát hệ thống.


Khi bạn chào đời, bạn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống, bạn không tự kiếm được thức ăn, bạn không thể tự bảo vệ, bạn không thể tự tạo ra ngôn ngữ. Những lời dạy dỗ của bố mẹ, thày cô giáo bỗng chốc trở thành tiếng gọi bên trong chi phối tâm trí của bạn. Khi lớn lên, bạn quên mất điều đó nhưng chúng vẫn tồn tại và ăn lan trong vô thức. Lớn lên, khi bạn đi học, nhà trường đưa ra cho bạn một loạt quy định và để sinh tồn suốt mười mấy năm học, bạn buộc phải tuân thủ mà không được phép chống đối. Và cứ thế, cứ thế… hết lần này lần khác… bạn cho rằng mọi sự số phận đã sắp đặt cho bạn. Đó là ảo tưởng.


Nhiều người cho rằng ở xã hội hiện đại chúng ta tự do nhiều hơn. Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, thuyết tiến hóa của Darwin … đã đập tan sự ảnh hưởng thần thánh của Tạo Hóa đối với con người, đã giải phóng con người khỏi niềm tin mù quáng. Xã hội tư bản bắt đầu định hình, cơ sở vật chất phát triển, con người được nhiều quyền lợi mà trước đó không có, nhưng hãy thử nghĩ xem, chúng ta có thật sự được tự do. Thay vì gánh vác định mệnh của mình, chúng ta phải thực hiện cái được gọi là “vai trò xã hội”. Trong thời thần quyền và phong kiến, chúng ta chấp nhận định mệnh của mình bằng việc phục vụ thần thánh, đóng góp cho vua chúa… Trong xã hội đương đại, chúng ta có vẻ như chẳng phải phục vụ ai ngoài bản thân và gia đình.


Bây giờ tôi xin được kể một câu chuyện khác, dường như không ăn nhập gì nhưng lại rất liên quan đến chủ đề chúng ta đang nói. Câu chuyện này có thể là rất quen với các bạn: Một anh chàng sinh viên với hy vọng về sự thành công, để thành công, anh ta buộc phải học thật tốt kiến thức ở trường và ních cho đầy não những gì người ta dậy anh. Rời khỏi trường, anh ta nhận ra rằng mấy thứ vớ vẩn trường dậy chẳng giúp ích gì cho công việc tương lai của anh ta, anh ta phủ nhận chúng hoàn toàn. Anh ta bắt đầu thấy vấn đề dùng trang phục hàng hiệu, mua sắm xe đẹp, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng và ngoan ngoãn hoàn thành mọi yêu cầu của sếp… mới chính là con đường dẫn tới thành công. Anh ta nghĩ rằng anh ta đã làm chủ vận mệnh của mình. Thực ra anh ta đang làm công việc anh ta không thích, mua những đồ không xứng với giá trị thực và tiêu phí thời gian để nuôi sống kẻ khác chứ không phải bản thân mình. Quảng cáo, truyền thông nói rằng khi anh ta sử dụng những đồ xa xỉ ấy, giá trị bản thân anh ta sẽ được nâng cao và anh ta tin là như thế. Trên thực tế, anh ta chỉ là một kẻ tiêu thụ ngu ngốc tin vào lời dụ dỗ đốt tiền vào các mặt hàng để nuôi sống những ông chủ lớn. Hãy thử nhìn sự liên hệ, về bản chất niềm tin giá trị con người được nâng cao bằng đời sống xa xỉ trong xã hội hiện đại chẳng khác nào niềm tin về việc Chúa sẽ cho chúng ta lên Thiên Đàng nếu chúng ta ngoan ngoãn nghe lời.





Nhận việc. Đi làm. Cưới xin. Có con. Hợp thời trang. Hành động bình thường. Đi trên vỉa hè. Xem TV. Tuân thủ luật pháp. Để dành cho lúc về già. Nào, hãy lặp lại lời tôi: Chúng ta tự do.


Tôn giáo, chính phủ, truyền thông, tiền tệ, thương mại dịch vụ, giáo dục… tất cả những thứ đó đều biến bạn trở thành những kẻ thụ động của hệ thống. Trong một hệ thống luôn tồn tại ba dạng người: sáng tạo hệ thống, vận hành hệ thống và người tiêu thụ. Nhìn lại các hệ thống trong lịch sử, ta sẽ thấy rằng chỉ có một vài người sáng tạo hệ thống, rất ít người vận hành hệ thống và số còn lại, số đông là người tiêu thụ. Với mô hình đó, các hệ thống trong cùng một thời đại rất kém phát triển, ít tương tác và nguy cơ xung đột với hệ thống khác luôn là vấn đề hệ trọng? Tại sao lại vậy?


Trước hết, ta thấy rằng vai trò sáng tạo hệ thống thường bắt nguồn từ tôn giáo và triết học. Socrates định hướng các giá trị con người, Arisote đưa ra học thuyết chính trị và mô hình tư duy mẫu mực, Moses sáng lập Do Thái giáo, Christ sáng lập Thiên Chúa giáo, Thích Ca Mâu Ni sáng lập Phật giáo, Khổng Tử sáng lập mô hình nhà nước Nho giáo. Những người sáng tạo hệ thống, họ không bị ràng buộc bởi hệ thống, họ vô chính phủ, vô đạo đức, vô giáo dục, họ hướng tới một lý tưởng cao đẹp, họ là những “siêu cá nhân”. Ở xã hội hiện đại, họ là Monstequieu (4), Voltaire (5) , là những người phát minh ra máy tính, ra Internet, những người có thể giải mã bản đồ gene … Họ giữ vai trò là những kẻ đột biến và lây lan sự đột biến, sau đó hệ thống tự động hình thành.


Sự ra đi của những người sáng tạo hê thống bắt đầu nảy sinh lớp người kiểm soát và điều khiển hệ thống. Mọi lý thuyết của người sáng tạo được nhắc đi nhắc lại như một sự cài đặt tâm trí với người trong hệ thống. Người trong hệ thống gần như không có quyền lựa chọn hoặc không biết đến quyền lựa chọn. Sự duy trì hệ thống bảo đảm quyền lợi của những người kiểm soát, thế nên không một người kiểm soát nào có nhu cầu phá hủy hệ thống. Và cứ thế, những người thụ động trong hệ thống trở thành công cụ để bảo vệ, thành thịt tươi để nuôi sống hệ thống. Nếu bạn đã đọc sách hoặc xem bộ phim “Cloud Atlas” được sản xuất năm 2012, bạn sẽ thấy hình ảnh của chính chúng ta trong những cô gái nhân bản vô tính. Chúng ta được sinh ra để phục vụ hệ thống, chúng ta làm theo mọi quy định hệ thống đặt ra, khi chúng ta hết giá trị sử dụng, chúng ta bị giết chết và đưa vào nhà máy sản xuất thức ăn để tái chế. Bạn có nhớ điều gì bắt ép các cô gái nhân bản phải tuân phục không? Sự đe dọa của chiếc vòng cổ tử hình và niềm tin được “thăng thiên” mà trên thực tế cả hai đều dẫn đến cái chết. Mọi hệ thống đều luôn kiểm soát bạn bằng hai cách: Đe dọa và tạo niềm tin. Mỗi thời đại khác nhau, mỗi hệ thống khác nhau, chúng lại có những hình thức khác nhau. Những người kiểm soát hệ thống cũ đều mong muốn hệ thống của mình được nhân rộng và sợ hãi khi thấy có hệ thống khác mạnh hơn hặc có khả năng đe dọa đến quyền lợi của mình. Bởi vậy, khi cố định thuộc một hệ thống, con người có xu hướng tẩy chay sự khác biệt bằng cách hủy diệt hoặc coi những gì bên ngoài hệ thống là tội lỗi, xấu xa, một dạng quỷ dữ.


Bạn có bao giờ thử hình dung rằng chính cuộc đời bạn là một hệ thống. Bạn tự sáng tạo ra hệ thống cho riêng bạn, bạn kiểm soát nó và bạn cũng là người trong nó? Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn việc trở thành một trong ba thành phần của hệ thống. Nhưng thời thế đã thay đổi. Con người giờ đây không bị giới hạn bởi duy nhất một hệ thống, họ có khả năng tham gia nhiều hệ thống một lúc hoặc không tham gia bất cứ hệ thống nào. Tuy nhiên, điều này chưa được biết đến nhiều. Phần lớn chúng ta, dù tìm mọi cách để phủ định, chúng ta vẫn cứ tin rằng chúng ta là những kẻ thụ động trong cuộc sống này, mọi con đường cứ bày ra trước mắt và chúng ta cứ thế mà nhắm mắt đưa chân. Chúng ta chấp nhận những gì xã hội nhồi nhét vào đầu chúng ta, bằng lòng với loại kiến thức thứ cấp và bị dụ dỗ bằng những con mồi của thành công, của quyền lợi, của danh dự.


Mỗi chúng ta là một phần tử của hệ thống, không chỉ có thế, mỗi chúng ta là một phần tử của vũ trụ trong một tổng thể vững chắc. Khi một phần tử thay đổi, nó sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền và tạo ra sự thay đổi toàn hệ thống. Bởi thế, vai trò của những người kiểm soát hệ thống chưa bao giờ là cần thiết cho sự phát triển, ngược lại, sự kiểm soát tạo ra giới hạn, thoái hóa và hủy diệt. Hãy tưởng tượng về những hệ thống chỉ có sự tiếp nối liên tục của chuỗi sáng tạo và biến đổi, sự ổn định được duy trì bằng các nguyên lý. Bạn lúc nào cũng vừa có thể là người sáng tạo, vừa có thể là người tiêu thụ. Chúng ta sẽ tự hình thành hệ thống lớn mà trong đó các hệ thống nhỏ trao đổi với nhau những giá trị mà mình tự tạo ra. Đó là mô hình lý tưởng mà tôi tin rằng bất cứ người sáng tạo nào cũng mơ ước.


Nhưng để tạo dựng điều đó không đơn giản. Nếu bạn có cùng một lý tưởng với chúng tôi, nếu bạn không chấp nhận mình là công cụ, là thịt tươi tái chế nuôi hệ thống, bạn hãy thay đổi. Không cần gì nhiều, bạn chỉ cần đứng lên và vùng lên chạy thật xa, cố gắng bứt khỏi vùng an toàn, bạn sẽ nhận ra rằng những sợi xích nào đang trói chân bạn? Khi nhận ra được sợi xích, bạn có cơ hội để thoát khỏi nó. Không thể thoát khỏi những hệ thống đang ràng buộc bạn, bạn sẽ không thể tạo hệ thống cho riêng mình, và điều đó có nghĩa bạn không có giá trị để trao đổi.


Bạn nói rằng điều tôi nói chỉ là không tưởng, chúng ta làm sao có thể thoát được hệ thống, vì thoát khỏi hệ thống này cũng sẽ chỉ rơi vào hệ thống khác. Có hề gì! Càng thoát được nhiều hệ thống, chúng ta sẽ càng tiến gần đến Sự Thật về con người. Tôi cho rằng, trên đời này, chẳng có hệ thống nào đáng để tuân phục hơn hệ thống vũ trụ. Và nếu có cách nào đó để tôi thoát khỏi hệ thống ấy, tôi cũng sẽ chẳng ngần ngại gì để chủ động vận hành vũ trụ, rồi một ngày nào đó có thể tôi rời bỏ hệ thống vĩ đại đó và khám phá một hệ thống khác bí ẩn hơn. Đó là con người tôi hướng tới, đó là con người tôi sẽ trở thành, đó là lý tưởng mà tôi đeo đuổi: Một con người tự do khám phá không bao giờ ngừng nghỉ.


Hà Thủy Nguyên

Nguồn : Bookhunterchub.com



(1) Ám chỉ câu chuyện Prometheue ăn cắp lửa của Olympia cho loài người

(2) Ám chỉ câu chuyện Adam và Eva trong Sáng Thế ký

(3) Ám chỉ chuyện Hậu Nghệ bắn rơi 8 mặt trời

(4) (5) Hai triết gia Khai Sáng của thế kỷ 18