Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

TRĂNG NGHẸN

TRĂNG NGHẸN - thơ HOÀI TƯỜNG PHONG



(TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI 1 CUỘC THI THƠ ĐBSCL NĂM 2009)



Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.



Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.



Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.



Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.



Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.



Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.



Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.



Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

17 địa danh nên đến một lần trước khi chết


Vì bạn chỉ sống có một lần, vậy hãy làm thật nhiều điều có ý nghĩa trước khi sang thế giới bên kia.


1. Vùng núi Zhangye Danxia, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc


Nếu không thật sự đặt chân tới địa điểm này, bạn sẽ cho rằng những hình ảnh trước mắt mình là một tác phẩm "photoshop". Thế nhưng đây quả thật là phong cảnh tuyệt đẹp "có một không hai" mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng núi Zhangye Danxia, Trung Quốc. Khách du lịch sẽ nhìn thấy những vệt đủ màu sắc từ đỏ, vàng, cam cho tới xanh lục, tím, nâu... Kiệt tác đẹp ngoài sức tưởng tượng này là do các yếu tố tự nhiên như mưa, gió, sự xói mòn, quá trình oxy hoá kết hợp với các yếu tố khoáng chất tạo ra những mảng màu sắc độc đáo khác nhau. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (1)


2. Nơi 'tận cùng thế giới' ở Banos, Ecuador


Đây là một trong những điểm du lịch không dành cho người yếu tim bởi bạn sẽ được ngồi trên một chiếc xích đu "tận cùng thế giới" và đánh đu trên vực núi sâu mà không dùng bất cứ biện pháp bảo vệ nào. Nhưng trước khi ngồi được lên chiếc đu quay 'tử thần' này, bạn cần phải men theo con đường mòn đến Bellavista từ vách Banos, Ecuador để đến điểm quan sát tại một trạm theo dõi địa chấn có tên 'La Casa del Arbel' - một ngôi nhà nhỏ nằm trên một cái cây nhỏ sát bên hẻm núi.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (2)

3. Hố xanh vĩ đại ở Belize


'Hố xanh vĩ đại' là một hố sâu nằm dưới mặt biển ngoài khơi bờ biển Belize, là một phần của khu bảo tồn san hô Belize Barrier, khu vực được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của nhân loại. Được bao quanh bởi một rặng san hô dài 70 km, hố này rộng đến 300m và sâu khoảng 124m. Sự kỳ vĩ và tráng lệ của nơi đây khiến mọi du khách đều phải trầm trồ, thán phục. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (3)

4. Cánh đồng hoa tulip Hà Lan


Hà Lan luôn được mệnh danh là quê hương của loài hoa kiêu sa tuyệt đẹp - tulip. Nơi đây có những cánh đồng hoa tulip ngập tràn màu sắc, trải dài bất tận tạo nên những bức tranh muôn màu sắc, đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người. Mùa hoa tulip bắt đầu từ cuối tháng 3 tới khoảng đầu tháng 8. Vào thời điểm này, những bông hoa với đủ màu sắc tím, hồng, đỏ, vàng... đua nhau nở, giống như những suối hoa rực rỡ muôn màu. Cách tốt nhất để chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa là ngắm toàn cảnh từ trực thăng. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (4)

5. Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam


Nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày thành vòm hang khổng lồ.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (5)

6. Thiên đường hoa ở công viên Hitachi Seaside


Công viên Hitachi Seaside là một trong những điểm du lịch "vàng" của đất nước Nhật Bản. Với diện tích 3,5ha, nơi đây có rất nhiều ngọn đồi, mỗi ngọn đồi là mỗi loại hoa khác nhau, thay phiên khoe sắc suốt 4 mùa trong năm. Công viên này đặc biệt nổi tiếng với hoa nemophilas - loài hoa năm cánh màu xanh trong suốt. Trong mùa xuân, hơn 4,5 triệu cây hoa nemophilas xanh sẽ đua nhau nở rộ trong công viên tạo nên cảnh đẹp "độc nhất vô nhị".
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (6)

7. Hang động băng Mendenhall, Alaska, Mỹ


Nhắc tới Alaska, người ta không chỉ nghĩ tới những dòng sông băng trải dài bất tận, ẩn giấu trong mình vẻ đẹp kỳ ảo, lôi cuốn mà còn tưởng tượng tới những hang động băng huyền bí và đẹp lung linh. Một trong số đó chính là hang động băng Mendenhall. Nơi đây là một trong những địa điểm mà bất kỳ ai cũng mong muốn được đặt chân tới và tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Không chỉ mang một vẻ đẹp thuần túy của thiên nhiên, hang động băng này còn giúp các nhà khoa học có một cái nhìn tổng quát hơn về điều kiện khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai của những vùng đất cực bắc nước Mỹ.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (7)

8. Ngọn núi Roraima nằm giữa Venezuela, Brazil và Guyana


Ngọn núi có đỉnh bằng kỳ lạ Roraima là ngọn núi có đỉnh bằng cao nhất và nổi tiếng nhất Venezuela, đồng thời ngọn núi này được xem như là biên giới giữa ba quốc gia Venezuela, Brazil và Guyana. Ngọn núi thuộc địa phận Vườn Quốc Gia Canaima với diện tích của toàn khu vực là 30.000km2, là nơi chứa và tạo ra nhiều địa chất lâu đời nhất thế giới; có niên đại vào khoảng 2 tỷ năm trước.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (8)

9. Khu vực Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ


Cappadocia là khu vực lịch sử thuộc khu vực trung tâm Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên ấn tượng nhất ở châu Âu. Nơi đây được hình thành từ lớp đá trầm tích và đá núi lửa - kết quả của vụ phun trào xảy ra khoảng 3 triệu năm trước đây. Trải qua hàng ngàn năm, những tác động của thiên nhiên: mưa, gió và nước sông đã khiến cho các lớp đá sa thạch và các khối đá mềm bị bào mòn dữ dội và tạo thành hàng trăm trụ cột đá ngoạn mục trong hình dạng của một tòa tháp, hình nón, hình ống khói, đạt đến tầm cao 40m, khiến nhìn từ trên cao, khu vực này trông tương tự như địa hình trên mặt trăng.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (9)

10. Bãi biển sao trên đảo Vaadhoo, Mandives


Nhiều người cho rằng cảnh tượng những sinh vật nhỏ xíu phát sáng trên bãi biển như hàng ngàn ngôi sao lấp lánh chỉ xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng hay những câu chuyện cổ tích. Song trên thực tế, bãi biển phát sáng trên hoàn toàn có thật ở Mandives. Nước biển phát sáng do các sinh vật phù du có khả năng phát quang xuất hiện với mật độ cao trong nước. Chính sự xuất hiện của những loài sinh vật này đã tạo nên một cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng cho bãi biển nơi đây. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (10)

11. Thác nước Victoria


Với độ cao khoảng 108m và nằm giữa biên giới Zimbabwe và Zambia, thác nước Victoria được biết tới là thác nước lớn nhất châu Phi. Nơi đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng nhất Zimbabwe mà du khách không thể bỏ qua khi có cơ hội đến châu Phi. Sự giao thoa giữa núi đá, sông nước, mây trời và những cánh rừng rậm bao quanh khu vực đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đẹp hoàn hảo và ngoạn mục. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (11)

12. Trolltunga ở Hordaland, Na Uy


Thêm một điểm du lịch nữa dành cho những du khách ưa mạo hiểm bởi Trolltunga là khu vực nằm trên rìa vách núi, cách mực nước biển hơn 600m và du khách chỉ có thể đi bộ ra ngoài khu vực này trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (12)

13. Bãi biển Whitehaven, Australia


Bờ biển Whitehaven là một trong những địa điểm mà khách du lịch không thể bỏ qua khi tới với đất nước Australia. Làn nước trong xanh như pha lê và bãi cát trắng nhất thế giới, trải dài 7km là những viên ngọc quý mà tạo hóa ban tặng cho hòn đảo Whitsunday, đảo lớn nhất trong 74 đảo thuộc đất nước Kangaroo này.Từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Whitehaven đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (13)

14. Vườn quốc gia Grand Canyon, bang Arizona, Mỹ


Grand Canyon có diện tích gần 5.000 km2 là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Nơi đây có những hẻm núi với đủ màu sắc từ nâu, đỏ, cam tới vàng tạo nên một khung cảnh rực rỡ và kỳ thú dưới ánh mặt trời.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (14)

15. Hang động cẩm thạch Marble Cathedral, Chile


Động cẩm thạch Marble Cathedral tọa lạc hồ General Carrera ở Pantagonia, Chile được hình thành từ hàng nghìn năm, nhờ quá trình bào mòn của tự nhiên, tạo nên những hẻm hốc và hang động vô cùng ấn tượng. Có thể nói rằng, hiếm có một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc nào có thể so sánh với vẻ đẹp tuyệt mỹ của hang động được xem là một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới này.
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (15)

16. Đường hầm tình yêu 'Tunnel of love'


Đây là một trong những đường hầm xe lửa đẹp nhất thế giới, thuộc thành phố Klevan của Ukraine. Nơi đây được bao phủ hoàn toàn bởi cây cối dày đặc tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp xuyên suốt 4 mùa trong năm. Ngay cả trong mùa đông lạnh giá, đường hầm tình yêu cũng mang một vẻ đẹp rất lãng mạn khi những bông tuyết trắng li ti bám lên những cành cây khẳng khiu. Phần lớn khách du lịch tới nơi đây đều là những cặp đôi đang yêu, họ đến để trao cho nhau những nụ hôn ngọt ngào giữa thiên nhiên, gửi gắm những điều ước cho tình yêu vĩnh cữu. 
17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (16)

17. Cánh đồng muối tuyệt đẹp Salar de Uyuni ở Bolivia


Salar de Uyuni là cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới được hình thành do sự vận động của vỏ trái đất. Trong những tháng mùa đông, khu vực này hoàn toàn khô ráo. Tuy nhiên, khi mùa hè đến, cánh đồng lại luôn ngập nước, biến thành tấm gương soi khổng lồ.


17 địa danh phải đến một lần trước khi chết (17)

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Bạn đang làm gì với cuộc đời mình : Sáng tạo hay thụ động.


“Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường thôi” – (“Cố hương” – Lỗ Tấn)


Trong nhiều thế kỷ, chúng ta được gieo rắc vào đầu ý tưởng rằng chúng ta chỉ là những quân cờ trong bàn tay của định mệnh. Từ “định mệnh” tiếng Anh là “fate”, có gốc từ “fata” – tên gọi ba vị thần nắm giữ sợi chỉ của số mệnh con người trong thần thoại Hy Lạp. Người Trung Quốc thì cho rằng mỗi người đều có “thiên mệnh”, tức là một sự sắp đặt nào đó của ông trời. Người Ai Cập cổ, người Ấn Độ cổ, người Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo đều lý giải nguồn gốc của con người bắt đầu từ sự sáng tạo của Thượng Đế. Con người từ rất lâu đã quen với ý niệm về quà tặng, về sự may mắn, sự dựa dẫm, sự cứu rỗi, sự trừng phạt.. đều từ người sáng tạo, chỉ có một số rất ít bắt đầu đòi hỏi về quyền tự do ý chí. Những kẻ hiếm hoi và lạc bầy đó là những người đầu tiên lên tiếng đòi hỏi quyền được tạo tác hệ thống, đòi được tự mình điều khiển. Chính họ là những kẻ ăn cắp ngọn lửa thiêng của Olympia (1) , những kẻ dám ăn trái cấm (2) , những kẻ dám giương cung bắn rụng mặt trời (3).


Nhắc lại câu chuyện xa xưa, tôi muốn gợi cho các bạn một ý nghĩ: Không cần biết những truyền thuyết về nguồn gốc loài người là đúng hay sai, nhưng dễ dàng để nhận thấy một điểm chung, chúng ta đã quá quen với việc thụ động và bị điều khiển bởi ai đó hay một quy luật nào đó. Nhiều người sẽ phản ứng khi đọc câu này và nói rằng: “Không! Tôi đang làm chủ cuộc đời tôi! Tội tự kiếm ra tiền! Tôi hoàn thành tốt công việc của tôi! Tôi đấu tranh cho những điều đúng đắn!” Bạn không nhìn thấy những sợi xích, điều đó không có nghĩa là bạn tự do. Đó là nghệ thuật của những người đang kiểm soát hệ thống.


Khi bạn chào đời, bạn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống, bạn không tự kiếm được thức ăn, bạn không thể tự bảo vệ, bạn không thể tự tạo ra ngôn ngữ. Những lời dạy dỗ của bố mẹ, thày cô giáo bỗng chốc trở thành tiếng gọi bên trong chi phối tâm trí của bạn. Khi lớn lên, bạn quên mất điều đó nhưng chúng vẫn tồn tại và ăn lan trong vô thức. Lớn lên, khi bạn đi học, nhà trường đưa ra cho bạn một loạt quy định và để sinh tồn suốt mười mấy năm học, bạn buộc phải tuân thủ mà không được phép chống đối. Và cứ thế, cứ thế… hết lần này lần khác… bạn cho rằng mọi sự số phận đã sắp đặt cho bạn. Đó là ảo tưởng.


Nhiều người cho rằng ở xã hội hiện đại chúng ta tự do nhiều hơn. Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, thuyết tiến hóa của Darwin … đã đập tan sự ảnh hưởng thần thánh của Tạo Hóa đối với con người, đã giải phóng con người khỏi niềm tin mù quáng. Xã hội tư bản bắt đầu định hình, cơ sở vật chất phát triển, con người được nhiều quyền lợi mà trước đó không có, nhưng hãy thử nghĩ xem, chúng ta có thật sự được tự do. Thay vì gánh vác định mệnh của mình, chúng ta phải thực hiện cái được gọi là “vai trò xã hội”. Trong thời thần quyền và phong kiến, chúng ta chấp nhận định mệnh của mình bằng việc phục vụ thần thánh, đóng góp cho vua chúa… Trong xã hội đương đại, chúng ta có vẻ như chẳng phải phục vụ ai ngoài bản thân và gia đình.


Bây giờ tôi xin được kể một câu chuyện khác, dường như không ăn nhập gì nhưng lại rất liên quan đến chủ đề chúng ta đang nói. Câu chuyện này có thể là rất quen với các bạn: Một anh chàng sinh viên với hy vọng về sự thành công, để thành công, anh ta buộc phải học thật tốt kiến thức ở trường và ních cho đầy não những gì người ta dậy anh. Rời khỏi trường, anh ta nhận ra rằng mấy thứ vớ vẩn trường dậy chẳng giúp ích gì cho công việc tương lai của anh ta, anh ta phủ nhận chúng hoàn toàn. Anh ta bắt đầu thấy vấn đề dùng trang phục hàng hiệu, mua sắm xe đẹp, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng và ngoan ngoãn hoàn thành mọi yêu cầu của sếp… mới chính là con đường dẫn tới thành công. Anh ta nghĩ rằng anh ta đã làm chủ vận mệnh của mình. Thực ra anh ta đang làm công việc anh ta không thích, mua những đồ không xứng với giá trị thực và tiêu phí thời gian để nuôi sống kẻ khác chứ không phải bản thân mình. Quảng cáo, truyền thông nói rằng khi anh ta sử dụng những đồ xa xỉ ấy, giá trị bản thân anh ta sẽ được nâng cao và anh ta tin là như thế. Trên thực tế, anh ta chỉ là một kẻ tiêu thụ ngu ngốc tin vào lời dụ dỗ đốt tiền vào các mặt hàng để nuôi sống những ông chủ lớn. Hãy thử nhìn sự liên hệ, về bản chất niềm tin giá trị con người được nâng cao bằng đời sống xa xỉ trong xã hội hiện đại chẳng khác nào niềm tin về việc Chúa sẽ cho chúng ta lên Thiên Đàng nếu chúng ta ngoan ngoãn nghe lời.





Nhận việc. Đi làm. Cưới xin. Có con. Hợp thời trang. Hành động bình thường. Đi trên vỉa hè. Xem TV. Tuân thủ luật pháp. Để dành cho lúc về già. Nào, hãy lặp lại lời tôi: Chúng ta tự do.


Tôn giáo, chính phủ, truyền thông, tiền tệ, thương mại dịch vụ, giáo dục… tất cả những thứ đó đều biến bạn trở thành những kẻ thụ động của hệ thống. Trong một hệ thống luôn tồn tại ba dạng người: sáng tạo hệ thống, vận hành hệ thống và người tiêu thụ. Nhìn lại các hệ thống trong lịch sử, ta sẽ thấy rằng chỉ có một vài người sáng tạo hệ thống, rất ít người vận hành hệ thống và số còn lại, số đông là người tiêu thụ. Với mô hình đó, các hệ thống trong cùng một thời đại rất kém phát triển, ít tương tác và nguy cơ xung đột với hệ thống khác luôn là vấn đề hệ trọng? Tại sao lại vậy?


Trước hết, ta thấy rằng vai trò sáng tạo hệ thống thường bắt nguồn từ tôn giáo và triết học. Socrates định hướng các giá trị con người, Arisote đưa ra học thuyết chính trị và mô hình tư duy mẫu mực, Moses sáng lập Do Thái giáo, Christ sáng lập Thiên Chúa giáo, Thích Ca Mâu Ni sáng lập Phật giáo, Khổng Tử sáng lập mô hình nhà nước Nho giáo. Những người sáng tạo hệ thống, họ không bị ràng buộc bởi hệ thống, họ vô chính phủ, vô đạo đức, vô giáo dục, họ hướng tới một lý tưởng cao đẹp, họ là những “siêu cá nhân”. Ở xã hội hiện đại, họ là Monstequieu (4), Voltaire (5) , là những người phát minh ra máy tính, ra Internet, những người có thể giải mã bản đồ gene … Họ giữ vai trò là những kẻ đột biến và lây lan sự đột biến, sau đó hệ thống tự động hình thành.


Sự ra đi của những người sáng tạo hê thống bắt đầu nảy sinh lớp người kiểm soát và điều khiển hệ thống. Mọi lý thuyết của người sáng tạo được nhắc đi nhắc lại như một sự cài đặt tâm trí với người trong hệ thống. Người trong hệ thống gần như không có quyền lựa chọn hoặc không biết đến quyền lựa chọn. Sự duy trì hệ thống bảo đảm quyền lợi của những người kiểm soát, thế nên không một người kiểm soát nào có nhu cầu phá hủy hệ thống. Và cứ thế, những người thụ động trong hệ thống trở thành công cụ để bảo vệ, thành thịt tươi để nuôi sống hệ thống. Nếu bạn đã đọc sách hoặc xem bộ phim “Cloud Atlas” được sản xuất năm 2012, bạn sẽ thấy hình ảnh của chính chúng ta trong những cô gái nhân bản vô tính. Chúng ta được sinh ra để phục vụ hệ thống, chúng ta làm theo mọi quy định hệ thống đặt ra, khi chúng ta hết giá trị sử dụng, chúng ta bị giết chết và đưa vào nhà máy sản xuất thức ăn để tái chế. Bạn có nhớ điều gì bắt ép các cô gái nhân bản phải tuân phục không? Sự đe dọa của chiếc vòng cổ tử hình và niềm tin được “thăng thiên” mà trên thực tế cả hai đều dẫn đến cái chết. Mọi hệ thống đều luôn kiểm soát bạn bằng hai cách: Đe dọa và tạo niềm tin. Mỗi thời đại khác nhau, mỗi hệ thống khác nhau, chúng lại có những hình thức khác nhau. Những người kiểm soát hệ thống cũ đều mong muốn hệ thống của mình được nhân rộng và sợ hãi khi thấy có hệ thống khác mạnh hơn hặc có khả năng đe dọa đến quyền lợi của mình. Bởi vậy, khi cố định thuộc một hệ thống, con người có xu hướng tẩy chay sự khác biệt bằng cách hủy diệt hoặc coi những gì bên ngoài hệ thống là tội lỗi, xấu xa, một dạng quỷ dữ.


Bạn có bao giờ thử hình dung rằng chính cuộc đời bạn là một hệ thống. Bạn tự sáng tạo ra hệ thống cho riêng bạn, bạn kiểm soát nó và bạn cũng là người trong nó? Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn việc trở thành một trong ba thành phần của hệ thống. Nhưng thời thế đã thay đổi. Con người giờ đây không bị giới hạn bởi duy nhất một hệ thống, họ có khả năng tham gia nhiều hệ thống một lúc hoặc không tham gia bất cứ hệ thống nào. Tuy nhiên, điều này chưa được biết đến nhiều. Phần lớn chúng ta, dù tìm mọi cách để phủ định, chúng ta vẫn cứ tin rằng chúng ta là những kẻ thụ động trong cuộc sống này, mọi con đường cứ bày ra trước mắt và chúng ta cứ thế mà nhắm mắt đưa chân. Chúng ta chấp nhận những gì xã hội nhồi nhét vào đầu chúng ta, bằng lòng với loại kiến thức thứ cấp và bị dụ dỗ bằng những con mồi của thành công, của quyền lợi, của danh dự.


Mỗi chúng ta là một phần tử của hệ thống, không chỉ có thế, mỗi chúng ta là một phần tử của vũ trụ trong một tổng thể vững chắc. Khi một phần tử thay đổi, nó sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền và tạo ra sự thay đổi toàn hệ thống. Bởi thế, vai trò của những người kiểm soát hệ thống chưa bao giờ là cần thiết cho sự phát triển, ngược lại, sự kiểm soát tạo ra giới hạn, thoái hóa và hủy diệt. Hãy tưởng tượng về những hệ thống chỉ có sự tiếp nối liên tục của chuỗi sáng tạo và biến đổi, sự ổn định được duy trì bằng các nguyên lý. Bạn lúc nào cũng vừa có thể là người sáng tạo, vừa có thể là người tiêu thụ. Chúng ta sẽ tự hình thành hệ thống lớn mà trong đó các hệ thống nhỏ trao đổi với nhau những giá trị mà mình tự tạo ra. Đó là mô hình lý tưởng mà tôi tin rằng bất cứ người sáng tạo nào cũng mơ ước.


Nhưng để tạo dựng điều đó không đơn giản. Nếu bạn có cùng một lý tưởng với chúng tôi, nếu bạn không chấp nhận mình là công cụ, là thịt tươi tái chế nuôi hệ thống, bạn hãy thay đổi. Không cần gì nhiều, bạn chỉ cần đứng lên và vùng lên chạy thật xa, cố gắng bứt khỏi vùng an toàn, bạn sẽ nhận ra rằng những sợi xích nào đang trói chân bạn? Khi nhận ra được sợi xích, bạn có cơ hội để thoát khỏi nó. Không thể thoát khỏi những hệ thống đang ràng buộc bạn, bạn sẽ không thể tạo hệ thống cho riêng mình, và điều đó có nghĩa bạn không có giá trị để trao đổi.


Bạn nói rằng điều tôi nói chỉ là không tưởng, chúng ta làm sao có thể thoát được hệ thống, vì thoát khỏi hệ thống này cũng sẽ chỉ rơi vào hệ thống khác. Có hề gì! Càng thoát được nhiều hệ thống, chúng ta sẽ càng tiến gần đến Sự Thật về con người. Tôi cho rằng, trên đời này, chẳng có hệ thống nào đáng để tuân phục hơn hệ thống vũ trụ. Và nếu có cách nào đó để tôi thoát khỏi hệ thống ấy, tôi cũng sẽ chẳng ngần ngại gì để chủ động vận hành vũ trụ, rồi một ngày nào đó có thể tôi rời bỏ hệ thống vĩ đại đó và khám phá một hệ thống khác bí ẩn hơn. Đó là con người tôi hướng tới, đó là con người tôi sẽ trở thành, đó là lý tưởng mà tôi đeo đuổi: Một con người tự do khám phá không bao giờ ngừng nghỉ.


Hà Thủy Nguyên

Nguồn : Bookhunterchub.com



(1) Ám chỉ câu chuyện Prometheue ăn cắp lửa của Olympia cho loài người

(2) Ám chỉ câu chuyện Adam và Eva trong Sáng Thế ký

(3) Ám chỉ chuyện Hậu Nghệ bắn rơi 8 mặt trời

(4) (5) Hai triết gia Khai Sáng của thế kỷ 18

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Bước chân tới thiên đường


Dựa trên một tình tiết có thật tại Minnesota
Dành lời cảm ơn tới Jenny Foxx
***
Tháng hai. Ngày thứ ba.
Tôi bị dị ứng, không phải tôm cua cá mực ngao sò ốc hến, mà là dị ứng đến trường. Tôi là một người ghét chủ nghĩa học hành.Bệnh này không phải là hiếm, vì thế người ta thường tạo ra nhiều thứ hứng thú ở trường để lôi cuốn học sinh đến hơn. Ví dụ như bóng rổ, ví dụ như các party đầu tuần, ví dụ như các cuộc thi "queen of school"...Nếu như phân tích một cách kỹ lưỡng thì các vấn đề khiến cho tôi (và một cơ số những người khác) không thích đến trường đó là giáo trình học tập thiếu đổi mới, sự giảng dạy kém sáng tạo, và cơ sở vật chất đuối kém.
Thôi, tôi không nói nữa kẻo nó sa đà vào sự phê phán (mà thực ra nó đúng là như thế!), tôi sẽ chuyển sang nói về một người đã khiến cho tôi thích thú đến trường hơn. Đó là một chàng trai, tất nhiên là rất đẹp trai...
bạn trai
Tôi đùa đấy! Trường tôi chả có chàng nào đẹp trai, hoặc là đẹp trai một cách xinh gái, mà tôi chúa ghét dạng con trai như thế. (Nghe này các chàng trai, một trong những cách để làm mình đẹp trai đó là trước hết hãy chứng tỏ mình là con trai, điểm này càng ngày càng thiếu trầm trọng =.= ) Đó là một giáo viên, dễ hiểu đó là một giáo viên mới xuất hiện trong trường tôi.
Anh tên là Kim. Tôi, rất thích thú, chỉ có thể gọi là anh bởi Kim chỉ hơn chúng tôi năm tuổi. Cao hơn tôi một cái đầu. Lịch lãm. Cuốn hút. Anh vừa tốt nghiệp đại học... Thôi, tôi để anh tự giới thiệu thì khách quan hơn...
- Chào các em.
Anh đứng dựa vào bảng, dáng đứng hệt như một học sinh ngổ ngáo bị phạt đứng góc lớp. Anh mỉm cười:
- Ai là lớp trưởng nhỉ?
Hân đứng lên, nhất định nó không phải lớp trưởng, nhưng nhất định là tôi thấy nó đang đứng lên. Nó ngoác miệng:
- Dạ thưa thầy, đây là lớp trưởng ạ.
Rồi nó chỉ vào Ngọc. Cả lớp suýt cười bởi tính nặc nô ham hố của nó. Ngọc lúng túng đứng lên:
- À..dạ thưa thầy. Em ạ!
Anh xua tay:
- Không cần gọi là thầy, gọi là anh được rồi. Ờ, em tên gì?
- Dạ, Ngọc ạ!
- Tốt.
Anh xoa xoa cằm:
- Anh là Kim. Anh dạy thay cho thầy, à, thầy gì nhỉ? Đúng rồi! Thầy Dương! Dạy môn Giáo dục công dân, ừm, môn này khoai đây!
Cả lớp tôi phì cười, cái gì thế này, đây thực sự là giáo viên dạy thay sao. Trông anh có dáng vẻ của một business man hơn! Anh khoát tay:
- Các em cất hết sách vở đi, trong giờ của anh các em không cần bỏ sách vở ra bàn. Chỉ cần nói chuyện thôi, nhưng nếu ai muốn ghi lại điều gì thì cứ tự nhiên. Ai muốn ăn cứ ăn, ai muốn uống nước cứ uống, nếu ai muốn ngủ cũng cứ tự nhiên, anh chỉ cần hai quy tắc: một là không nói to, hai là không nhìn đồng hồ, anh rất sợ khi anh đang nói người khác nhìn đồng hồ! Tiện thể, nếu anh lên lớp muộn thì không cần chạy xuống báo ban giám hiệu!
Những tiếng ồ và vỗ tay lốp đốp vang lên trong lớp đầy thích thú. Anh suỵt một tiếng:
- À quên, không vỗ tay nữa! Cái này thì cho đỡ ồn!
Tôi nhớ rất rõ đó là ngày thứ ba của tháng hai. Nhân vật kỳ lạ đó xuất hiện dưới tư cách giáo viên giáo dục công dân. Kim rõ ràng gây một ấn tượng mạnh ngay từ những cử chỉ như của một chuyên gia tâm lý học. Nhưng đó mới chỉ là phần đầu.
***
Trò chơi học đường
Đó là những cảm giác của tôi trong hai tiết giáo dục công dân mỗi tuần, trùng cảm giác với phần còn lại của lớp. Bạn biết một giáo viên nào lên lớp với không một giáo án trong tay, không mang một thứ gì đó có liên quan đến giảng dạy. Kim đi vào lớp, thường là tay đút túi quần, quên không tả, anh mặc vest, luôn chỉ mặc vest đen, anh đứng sát bàn đầu tiên, ít khi quan tâm đến việc hôm nay phải dạy gì.
- Lòng yêu nước?
Anh nhìn lướt qua quyển sách của Ánh – nó ngồi ở bàn đầu - rồi ra hiệu cho Ánh cất sách vào túi.
- Ờ, đây là một chủ đề hay đấy! Em, em có yêu nước không? Anh luôn thích những câu trả lời thật nhé.
Anh chỉ vào Bảo. Thằng này nheo mắt:
- Theo một nghĩa nào đó thì là có ạ.
- Theo nghĩa nào đó là theo nghĩa nào?
- Em cũng không rõ lắm, nhưng đại khái thì là yêu ạ!
Cách trả lời nhảm nhí của thằng này khiến tôi phì cười.
- Em có yêu đội bóng nào không?
- Dạ có, Barca ạ.
- Dứt khoát nhỉ. Thế khi Barca bị loại ở cúp C1 năm nay em có buồn không?
- Có chứ ạ.
- Thế lúc nghe đến sản lượng khai thác hải sản của nước ta giảm 25% trong năm vừa rồi, em có buồn không?
- Dạ...không ạ.
- Đấy, thế thì cũng chưa yêu nước lắm!
Bảo lúng túng. Anh cười:
- Anh đùa đấy, anh cũng không buồn vì anh không ăn hải sản! Nhưng nếu là sản lượng cà phê giảm thì anh sẽ buồn lắm đấy!
Cười. Anh lại xoa xoa cằm, động tác quen thuộc:
- Có lẽ là ở mỗi một hoàn cảnh đều khác, không thể so sánh các em với các anh hùng đã xả thân cứu nước trong hai cuộc chiến tranh của chúng ta, vì các em sinh ra trong thời bình, điều ấy là không chính xác. Anh nghĩ, các em yêu nước theo cách của các em, yêu chỉ đơn giản vì đã được sinh ra ở nơi này. Anh nhớ, cách đây 5 năm, khi anh bắt đầu đi du học....
Và Kim kể về những ngày xa nhà của anh, những lúc đi học về tối khuya, bật BBC VN lên nghe những bản tin về đất nước, thấy lòng vui vẻ lạ thường, những lúc nghe tin có sóng thần nơi này, bão lũ nơi kia, lại thấy lòng ngập tràn lo lắng, anh kể hội sinh viên Việt Nam ở đó giúp đỡ, san sẻ, yêu thương nhau như thế nào, yêu nước là yêu những người cùng sinh ra trên quê hương...Không kể khổ, không so sánh, Kim nói với chúng tôi về những gì anh đã trải qua và đúc kết được...Những câu chuyện giản dị, anh ngồi một cách bình thản, chúng tôi chăm chú lắng nghe.. Những cảm xúc dâng lên trong từng đứa như là lần đầu biết thế nào là yêu nước, là tình bạn thực sự, là tình yêu, là lòng dũng cảm...
Những bài giảng của anh luôn như thế. Kim đang dạy, chắc chắn rồi bởi đó cũng là những chủ đề trong sách giáo khoa, nhưng ung dung như là đang trò chuyện. Đấy, tôi lại thiếu khách quan rồi, chỉ đơn giản là anh là một giáo viên đặc biệt. Anh dạy chúng tôi được ba tháng bốn ngày, tôi không nghỉ một buổi nào từ ngày thứ ba của tháng hai. Đó là giá trị của một giáo viên đặc biệt, mà đôi khi tôi cảm thấy gọi anh là giáo viên cũng không hợp lý lắm, bởi Kim như là một người anh, cũng như nhiều lần, tôi chắc chắn ba mươi hai đứa còn lại trong lớp cảm thấy tương tự.
***
Life's that
Những ngày tháng năm nóng ran. Chỉ muốn chuồn ra quán nào đó có điều hoà ngồi đánh bài hoặc chơi cá ngựa giết thời gian. Nhưng vẫn còn thứ kéo chúng tôi ở lại lớp học...
lớp học
Kim thuộc tên tất cả những đứa lớp tôi một cách nhanh chóng, có lẽ vì anh hay hỏi thăm học sinh, anh khen hoặc chê một vài thứ linh tinh. Như hôm trước Kim nói rất thích đôi giày búp bê màu tím hồng của An, hỏi nó mua ở đâu để anh mua cho em gái anh. Anh thường xuyên thế, đến mức bọn tôi cảm thấy quen, hay chủ động chia sẻ những chỗ hay ho. Có lần anh đến lớp và nói tối ai rảnh thì đi ăn bún ốc thịt bò với anh, anh mới tìm được một quán hay ho ở tít tận Đại La, cuối cùng thì thiếu bốn đứa, còn lại chúng tôi làm loạn cả quán lên, đơn giản kinh khủng nhưng vui vẻ kinh khủng... Những ngày khó quên với một người khó quên. Chẳng ai để ý lúc đấy Kim là người hay đứng trên bục giảng, ờ thì học với ai còn chẳng có kiểm tra, chẳng có điểm số cơ mà. Anh nói tất cả những người có thái độ tốt trên lớp, sống tốt ngoài lớp thì sẽ mười phẩy hết, chẳng có gì sai bởi giáo dục công dân là môn về đạo đức, vậy thì tại sao lại phải đánh giá đạo đức qua việc học thuộc lòng?
Đúng không nhỉ?
Tôi cho là đúng.
Một câu cũ, những ngày như thế không nhiều.
***
Tôi không muốn kể ra đoạn cuối của câu chuyện, nhưng lại cũng có trách nhiệm hoàn thành nốt câu chuyện gần như có thật này. Ba tháng bốn ngày từ hôm thứ ba của tháng hai, Kim không lên lớp. Đó là một tiết học trống. Chúng tôi ngồi chờ đúng bốn mươi nhăm phút và bắt đầu tiết học môn khác, rất nhiều thắc mắc nhưng chúng tôi làm đúng điều anh dặn hôm đầu tiên, không báo ban giám hiệu. Một vài đứa biết số lấy máy ra nhắn tin cho anh nhưng anh không trả lời.
Tiết tiếp theo môn của anh, thầy Thắng hiệu phó lên lớp, chúng tôi xì xào. Có cái gì đó không ổn diễn ra trong lòng tôi. Thầy ra hiệu cho cả lớp không cần đứng lên chào.
Thầy đứng ở giữa lớp, nhìn chúng tôi. Một hồi lâu. Rồi thầy nói, chậm rãi:
- Có một câu chuyện tôi muốn kể cho các em. Các em có thể buồn, nhưng điều này cần thiết. Trước hết tôi xin lỗi khi giấu tất cả các em, Kim không phải là một giáo viên...Anh là một sinh viên của viện Kiến Trúc Paris, vừa tốt nghiệp năm ngoái...
Không một tiếng nói nào vang lên từ phía dưới. Thầy Thắng tiếp tục:
- Kim bị chứng phồng cơ tim, bất cứ lúc nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự sống. Cách đây hơn ba tháng, anh đã đến trường và xin phép được dạy môn giáo dục công dân cho một lớp trong trường. Anh nói ra câu chuyện của anh, và nói rằng chỉ cần được dạy và tiếp xúc với các em là niềm hạnh phúc nhất của anh bây giờ. Trước khi đi, Kim muốn được nói chuyện, được truyền lại những kinh nghiệm sống của anh cho các em, chỉ cần như thế là anh thấy mình không có gì tiếc nuối... Ban giám hiệu đã họp lại và quyết định đồng ý theo mong muốn của Kim...
Vẫn không một âm thanh nào có thể vang lên trong lớp.
- Cách đây ba ngày, Kim bị phồng động mạch chủ dẫn đến tắc mạch máu lên tim, và anh mất...
Tôi hồi tưởng lại tất cả những cử chỉ ấy, nụ cười ấy. Chính là như thế, đó không phải là một kỹ thuật, đó là những điều đến từ tình yêu, đến từ cuộc sống mà anh mang lại. Chợt nhớ câu anh từng nói: "Nếu cuộc sống là một bản nhạc... thì hãy hát nó lên...", anh đã khơi lên trong mỗi đứa một niềm yêu đời lặng lẽ, để biết quý trọng những giờ phút sống hơn. Giờ tôi mới hiểu mỗi lời anh nói với chúng tôi, là những bước chân đến một nơi xa của anh...
Tôi khóc, như mọi lần, tôi biết tất cả đang khóc...
"Thầy Kim, ở thiên đường thầy có nhìn thấy những giọt nước mắt ấy không?"
Minh Nhật

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

25 công trình được cho là vĩ đại nhất lịch sử nhân loại


1. Đảo nhân tạo Dubai (UAE)
dubai-palm-jumeriah-large-600x460-137307
Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) là một trong những quốc gia trẻ nhất trên thế giới, nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện "Một nghìn lẻ một đêm". Quần đảo hình cây cọ ở Dubai bao gồm Palm Jumeirah, Palm Jebel Ali và Palm Deira, đây cũng chính là ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới.
2. Đường dẫn nước Segovia, Tây Ban Nha
7699-segovia-aqueduct-1373072681_500x0.j
Đây là đường ống dẫn nước trên cao được xây từ thời La Mã vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, một trong những di tích bằng đá cổ được bảo tồn tốt nhất trên bán đảo Iberia.
3. Vạn lý Trường thành, Trung Quốc
Great-Wall-of-China-Pictures-1373080341_
Vạn lý Trường thành là một công trình kì vĩ, có chiều dài 8.850 km, được xây dựng trong khoảng 2.000 năm, bắt đầu từ năm 475 trước Công nguyên. Sân bay quốc tế Bắc Kinh là sân bay gần nhất để đến thăm Vạn lý Trường thành.
4. Taj Mahal, Agra, Ấn Độ
Side-View-Taj-Mahal-Agra-India-137308034
Đền Taj Mahal tọa lạc ở thành phố Agra bang Utar Pradesh, được xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt giữa hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal. Đền được xây dựng trong 20 năm (từ 1632 đến 1653) bằng nhiều loại đá quý màu trắng trên một không gian rộng lớn, giúp tôn lên vẻ đẹp thanh khiết.
5. Đường sắt xuyên Siberia, Nga
Trans-Siberian-trip-1373080341_500x0.jpg
Tuyến đường sắt này nối liền Đông Nga với Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ. Phía Bắc Siberia vốn có địa hình rất hiểm trở để băng qua, chính điều đó đã làm cho  công trình dài 8.851km này càng trở nên đặc biệt ấn tượng.
6. Tháp Burj Khalifa, Dubai (UAE)
1013928570-1365018664-1373080341_500x0.j
Tòa tháp Burj Khalifa là công trình nổi tiếng bậc nhất tại Dubai. Đây hiện là tòa tháp cao nhất thế giới với chiều cao ước tính khoảng 828m, được khai trương ngày 4/1/2010. Đến Dubai, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp lung linh của tòa nhà khi đêm xuống, đó thực sự là một tác phẩm kiến trúc hoàn hảo.
7. Cầu Akashi Kaikyo, eo biển Akashi, Nhật Bản
hocd-800pxakashikaikyo-bridge-1373080341
Hơn 2 triệu người đã lao động trong 10 năm để xây dựng nên Akashi Kaikyo, một cầu treo kiểu kết cấu dây võng. Cây cầu này kết nối thành phố Kobe với Iwaya trên đảo Awaji. Đây là cây cầu treo có nhịp dài nhất thế giới với tổng chiều dài là 3.911m.
8. Tuyến đường sắt White Pass & Yukon Route, Canada
wihte-pass-1373080342_500x0.jpg
Hệ thống đường sắt này được xây dựng chỉ trong 26 tháng, sử dụng 450 tấn thuốc nổ để khai thông đường núi ven biển của Canada và hoàn thành vào năm 1900. Đến nay, tuyến đường sắt này vẫn sử dụng chiếc tàu cổ điển và lâu đời nhất có niên đại từ năm 1881.
9. Tháp Tokyo Sky Tree, Nhật Bản
tokyo-sky-tree-1373080342_500x0.jpg
Tokyo Sky Tree là niềm tự hào của Nhật Bản. Với chiều cao 634 mét, đây là tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới, với kiến trúc thép đặc biệt có thể chống ảnh hưởng của động đất. Tokyo Sky Tree có thể chịu được động đất 8 độ richter, điều này đã được chứng minh trong trận động đất tại Nhật Bản hồi tháng 3/2012.
10. Trạm vũ trụ quốc tế
iss-future-1373080342_500x0.jpg
Trạm vũ trụ quốc tế được xây dựng với kinh phí 100 tỷ USD và công sức của hơn 100.000 người tại 15 quốc gia, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong công nghệ chinh phục vũ trụ của con người. Nó được xếp hạng là một trong những công trình đặc biệt nhất khi nằm ở vị trí ​​354 km (220 dặm) ngoài trái đất.
 
11.  Thành cổ Teotihuacan, Mexico
teotihuacan-from-the-pyramid-of-the-sun-
Teotihuacan được đặt theo tên của người Aztec, có nghĩa là "nơi đưa con người trở thành vị thần". Đây là thành phố lớn nhất ở châu Mỹ thời kì tiền Columbus. Cấu trúc nổi tiếng nhất tại đây là Kim Tự Tháp Mặt Trời, được xây dựng với kiến trúc đặc biệt và độc đáo.
12.  Kênh đào PanamaPanama
panama-canal_1373268367.jpg
Kênh đào Panama dài khoảng 77 km, bao gồm hai hồ nhân tạo, các mương nhân tạo và ba bộ van khóa. Kênh đào này là đường hàng hải quốc tế chủ chốt với hơn 14.000 tàu qua lại hàng năm, kết nối Vịnh Panama thuộc Thái Bình Dương với Biển Caribe và Đại Tây Dương.
13.  Tháp Đài Bắc 101, Đài  by safesaver" id="yiv6594924450_GPLITA_1"Loan
taiwan-taipei-101_1373268512.jpg
Đài Bắc 101 là tòa nhà cao nhất thế giới  từ năm 2004 đến năm 2010, trước khi tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai khánh thành với độ cao 509 m. Công trình này được tuần báo Newsweek và chương trình Discovery bầu chọn là một trong bảy kỳ quan mới và một trong bảy kỳ quan kiến tạo của thế giới.
14.  Skywalk  by safesaver" id="yiv6594924450_GPLITA_0"Grand CanyonArizona, Hoa Kỳ
2209239122-4390dcbc92-z_1373268567.jpg
Cây cầu Skywalk nằm ở độ cao 1.200 m phía trên một cao nguyên đá được coi là cây cầu nằm ở vị trí cao nhất hiện nay. Đây là cây cầu làm hoàn toàn bằng kính, nhưng có thể nâng đỡ sức nặng tương đương 71 chiếc Boeing 747 đã chở đầy khách, và chịu được động đất 8 độ richter.
15.  Trung tâm tài chính thế giới, Thượng Hải
World-Financial-Center-of-Shanghai_13732
Trung tâm Tài chính Thượng Hải là một tòa nhà chọc trời, được khởi công xây dựng từ năm 1997 do công ty Kohn Pedersen Fox thiết kế. Tòa nhà cao 492 m với 101 tầng, hoàn thành năm 2008. Đây là tòa tháp cao nhất Trung Quốc và cao thứ tư thế giới.
16.  Cầu cạn Millau Viaduct, Pháp
img1_1373270912.jpg
Millau Viaduct là cây cầu cạn dây văng bắc qua thung lũng của sông Tarn gần Millau phía nam nước Pháp. Đây là cây cầu cao nhất thế giới, với đỉnh cao nhất của một cột là 343 m.
17.  Hệ thống tàu điện ngầm London
London-Underground.jpg
Tàu điện ngầm London là hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất thế giới kể từ khi đưa vào phục vụ năm 1863. Đây cũng là hệ thống lớn nhất thế giới tính theo tổng chiều dài 408 km đường ray và 275 trạm.
18.  Sân bay Kansai, Osaka, Nhật Bản
kansai-airport-JPG.jpg
Sân bay quốc tế Kansai được thiết kế xây dựng trên hòn đảo nhân tạo tại Osaka, Nhật Bản. Sân bay nhìn từ trên cao là một kiến trúc đồ sộ với đường giao thông nối giữa đảo và sân bay. Đây cũng là sân bay quốc tế lớn nhất ở Nhật Bản.
19.  Đập thủy điện Hoover, Hoa Kỳ
130626160221-engineering-hoover-dam-hori
Đập Hoover là đập cổ nhất trong số các đập cao trên 150m của Mỹ. Công trình này được xếp hạng là một trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất nước Mỹ và là một trong 100 kỳ quan của thế giới ở thế kỷ 20.
20.  Kim tự tháp Giza, Ai Cập
130705144634-great-pyramid-giza-horizont
Trong số hơn 80 Kim tự tháp ở Ai Cập, Kim tự tháp Giza là lớn nhất và tồn tại lâu nhất cho đến nay. Công trình có nhiều kiểu kiến trúc đang kinh ngạc mà đến nay người ta vẫn tranh cãi về cách xây dựng nó ở thời kỳ cổ đại.
21.  Cổng cầu vàng Golden Gate, San Francisco
130626155020-engineering-golden-gate-hor
Cầu Golden Gate là một kỳ tích của nền khoa học xây dựng nước Mỹ, được tạo nên từ những năm 30 của thế kỷ trước. Bất kỳ ai đến Mỹ đều muốn một lần đặt chân đến Cổng Cầu vàng bởi cảnh đẹp quá hùng vĩ nơi đây.
22.  Tháp Eiffel, Paris
Eiffel-tower-from-trocadero.jpg
Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng sắt nổi tiếng nằm cạnh sông Seine, thành phố Paris- công trình biểu tượng mang tính nghệ thuật của nước Pháp. Tòa tháp có độ cao 324 mét, có 1710 bậc, được xây dựng trong 3 năm (1887-1889).
23.  Cầu Confederation, đảo Prince Edward, Canada
130626154619-engineering-confederation-b
Cầu Confederation dài 12,9km chạy ra đảo Prince Edward (P.E.I.), là cây cầu trên băng dài nhất thế giới. Cây cầu này xây dựng trong 4 năm, từ 1993 đến1997 với chi phí lên tới 1,3 tỷ USD.
24.  Đấu trường La Mã, Rome
130626154054-engineering-colosseum-horiz
Đấu trường La Mã, còn gọi là Colosseum là đấu trường lớn ở thành phố Roma với sức chứa 50.000 khán giả. Đây là một di tích lịch sử với kiến trúc khác biệt, dù bị sụp đổ nhiều nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ đại.
25.  Tháp CN, Toronto, Canada
toronto-cn-tower.jpg
Tháp quốc gia Canada (Tháp CN) từng được coi là ngọn tháp cao nhất thế giới với chiều cao 555 mét, gồm 147 tầng, gần gấp đôi Tháp Eiffel. Tòa tháp được chính phủ Canada xây dựng từ năm 1976. Đây cũng là địa điểm du lịch thu hút hàng chục triệu du khách mỗi năm.
(*) Sưu tầm từ nguồn internet, ghi lại làm tư liệu